Trong đời ai cũng có những giây phút tình cờ - chỉ vì một sự kiện nào đó
mà khiến cuộc sống của ta thay đổi. Nếu ngày hôm đó ta không đến quán
cà phê nọ, có thể ta đã không gặp được người yêu sau này. Nếu ngày hôm
đó bắt kịp chiếc xe bus, có thể ta sẽ không gặp lại được người bạn lâu
năm tình cờ đợi chung một chuyến xe. Và hẳn ai cũng có những nuối tiếc,
những "nếu như" - nếu như ta chờ đợi thêm một chút, nếu như ta dứt khoát
thêm một chút.
Những tình huống "nếu như" này được thể hiện trên màn ảnh không ít lần, với những phim đạt thành công nhất định như
Sliding Doors (1996, Gwyneth Paltrow đóng vai chính), và
Run Lola Run (1998,
phim của đạo diễn Đức Tom Tykwer). Thế nhưng ít có ai biết đến bộ phim
đầu tiên đã tạo cảm hứng cho hai phim kể trên - đó là
Blind Chance,
bộ phim làm năm 1981 do đạo diễn nổi tiếng Krzysztof Kieslowski (từng
được đề cử cho nhiều giải Cành cọ vàng ở Cannes, giải Oscar, và thắng
giải Sư tử vàng ở Venice) thực hiện.
Blind Chance gồm ba câu chuyện riêng biệt – khi Witek, một sinh
viên y khoa – về quê làm tang lễ cho người cha vừa qua đời rồi bắt
chuyến tàu quay lại Warsaw, giây phút tíc tắc quyết định việc anh có bắt
được tàu hay không là giây phút dẫn đến bước ngoặt cuộc đời anh. Trong
ba câu chuyện đó, anh vì sự tình cờ của chuyến tàu đem lại mà yêu ba
người phụ nữ khác nhau, trải qua những sự kiện hoàn toàn không liên quan
(dù đều nhắc đến tình hình chính trị lúc đó của Ba Lan một cách
khá-không-ẩn-ý), và có ba kết thúc rất khác. Trong rủi có may, trong
phước có họa, cuộc đời chẳng ai có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra dù
có những lúc ta nghĩ rằng quyết định lèo lái con thuyền của cuộc đời đã
nằm gọn trong lòng bàn tay.
Điểm đáng khen của
Blind Chance là
sự trau chuốt về mặt nghệ thuật, với những hình ảnh giàu cảm xúc (khiến
người xem đôi khi phải… rùng mình) và cách phản ánh thời cuộc, chính
trị, triết lý tôn giáo một cách tự nhiên không sáo mòn, không thuyết
giáo, tuyên truyền hay phê phán bất kỳ bên nào. Tôi thích nhân vật Witek
bởi nét thật của anh ta, anh không phải là một người hoàn hảo, mà anh
trần tục, anh yếu đuối, anh do dự trước những quyết định lớn của cuộc
đời - cũng như chúng ta. Qua ba câu chuyện, anh yêu ba người phụ nữ khác
nhau cũng chỉ vì phút giây gặp gỡ tình cờ, và cho dù kết thúc của những
cuộc tình đó ra sao, ta vẫn cảm nhận được cái tình chân thành anh dành
cho họ – cho dù đó là những tình yêu không thừa không thiếu, không đòi
sống chết cũng không hời hợt. Tôi cảm động nhất khi Witek đến tìm cô bạn
gái Czuszka giải thích khi cô cho rằng anh đã bán đứng cô (và bất kỳ ai
khác cũng sẽ nghĩ như vậy), và cô nói, “Anh hãy sang Pháp rồi quay về,
lấy con gái của bộ trưởng, khi đó tôi sẽ nhổ vào mặt anh. Bây giờ tôi
chưa thể.” Witek cầm quả địa cầu bỏ đi, và Czuszka khóc. Cũng như những
khoảnh khắc cay đắng khác, phim làm rất “tỉnh”, bởi chúng ta rốt cuộc
cũng chỉ là những người quan sát cuộc sống của các nhân vật trong phim;
cảm xúc buồn vui, phẫn nộ hay hạnh phúc là do từng khán giả cảm nhận,
chứ bản thân các nhân vật rất ít khi biểu lộ cảm xúc của họ.
Cảnh người yêu hỏi Witek về niềm tin vào Thượng đế
Sự chặt chẽ, liền mạch trong phim cũng thật đáng nể, khi những sự kiện
trong ba câu chuyện hoàn toàn phù hợp với tình huống của ba câu chuyện
đó, và qua cả ba tình huống, càng xem ta càng hiểu thêm về Witek; những
câu chuyện không phải là sự lặp lại của một nhân vật chán ngắt từ đầu đã
biểu hiện rõ tính cách của anh ta qua ba tình huống khác nhau, mà những
câu chuyện đó bổ sung cho nhau và góp phần xây dựng một nhân vật Witek
đa chiều. Ba câu chuyện xảy ra do sự tình cờ (hay số phận, nếu ta tin
vào điều đó), nhưng Witek không thay đổi theo thời cuộc hay tình huống
trước mắt; tính cách của anh phức tạp nhưng thuần nhất xuyên suốt bộ
phim (chứng tỏ đạo diễn đã định hình tính cách nhân vật rất rõ). Ba cuộc
tình với ba màu sắc riêng biệt làm nền cho từng câu chuyện – cuộc tình
nối lại mối tình đầu đời với Czuszka cuồng nhiệt, say đắm và đắng cay
của câu chuyện thứ nhất, cuộc tình bất chợt với người chị của bạn mình
và cũng vì đó mà tình cờ thoát khỏi kiếp nạn, và cuộc tình cùng hôn nhân
gần như hoàn hảo, đi theo hoạch định nhất, với cô bạn học ở trường Y
Olga đã dẫn đến điều chẳng ai ngờ.
Nếu nói về ba mối tình, tôi
thích cuộc tình của Witek với Czuszka nhất; cô dù biết anh đang làm
những điều cô không thích vẫn chấp nhận yêu anh, và cảnh cô kể anh nghe
về những lần phá thai của cô, rồi cả hai nói yêu nhau thật sự đã làm tôi
rung động. Nếu nói về tính nhân bản cùng các triết lý cuộc sống, tôi
lại thích câu chuyện thứ hai, khi người phụ nữ bị bọn xấu đến tàn phá
nhà nói với Witek, “Tôi tin vào Chúa, vì hôm nay khi tôi lâm vào cảnh
này, cậu đã đến,” hay khi Witek cầu nguyện với Chúa, “Con chẳng xin Ngài
bất kỳ điều gì, mà chỉ xin Ngài, xin Ngài hiện hữu.” Chẳng phải khi ở
trong cơn khốn cùng, ai cũng muốn bấu víu lấy một chút hy vọng và muốn
tin rằng hy vọng đó có tồn tại sao?
Tuy khái niệm về sự ngẫu
nhiên dẫn đến thay đổi số phận luôn là một khái niệm hấp dẫn với các nhà
làm phim, và có lẽ sẽ còn được đưa lên màn ảnh rộng nhiều lần nữa,
Blind Chance
vẫn là cảm hứng ban đầu không thể chối cãi với giá trị nghệ thuật và
nhân bản đáng ngưỡng mộ. Dù bối cảnh chính trị của phim giờ đã chỉ còn
là quá khứ mờ ảo với hầu hết các khán giả trẻ, những sự lựa chọn và khái
niệm sống thật với bản thân dù cuộc đời thay đổi sẽ tạo được sự đồng
cảm với người xem ở bất cứ thời đại nào.
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Hãy chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết này trên
Facebook của chúng tôi